• Trang chủ
  • Tri thức
  • 12 LÝ DO THƯỜNG GẶP CỦA CÁC QUYẾT ĐỊNH M&A (Merger and Acquisition) MUA BÁN – SÁP NHẬP DOANH NGHIỆP

12 LÝ DO THƯỜNG GẶP CỦA CÁC QUYẾT ĐỊNH M&A (Merger and Acquisition) MUA BÁN – SÁP NHẬP DOANH NGHIỆP

16/02/2022
228

Mua bán sáp nhập doanh nghiệp là hoạt động hợp nhất các công ty hoặc tài sản nhằm mục đích tăng trưởng doanh nghiệp phù hợp với chiến lược của doanh nghiệp. Một số các lý do sau đây khiến chúng ta chứng kiến các thương vụ M&A đình đám mà đôi khi khó hiểu tại sao họ lại định giá như vậy

Trước hết, chúng ta đề cập đến một số khái niệm chính như sau:

Mua bán Là hình thức một công ty mua lại số lượng lớn cổ phần hoặc thôn tính một công ty khác. Hoạt động này không làm ra đời một công ty mới. Công ty được mua lại vẫn giữ nguyên tên và cấu trúc pháp lý của mình. Ví dụ: sau khi Amazon mua lại Whole Foods vào năm 2017, công ty sau này vẫn duy trì tên của mình và tiếp tục thực hiện mô hình kinh doanh của mình.

Mua lại khác với hoạt động đầu tư thông thường. Mục đích của M&A là giành quyền kiểm soát doanh nghiệp ở mức độ nhất định chứ không đơn thuần chỉ là sở hữu một phần vốn góp hay cổ phần của doanh nghiệp giống như một nhà đầu tư nhỏ, lẻ. Vì vậy, khi việc mua bán đạt được mức sở hữu phần vốn góp, cổ phần của doanh nghiệp đủ để tham gia, quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp thì khi đó mới có thể coi đây là hoạt động M&A. Ngược lại, khi nhà đầu tư sở hữu phần vốn góp, cổ phần không đủ để quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp thì đây chỉ được coi là hoạt động đầu tư thông thường mà thôi.

 Sáp nhập là hình thức kết hợp mà hai công ty thống nhất gộp chung tài sản. Công ty bị sáp nhập chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập để trở thành một công ty mới. Ví dụ thương vụ điển hình gần đây là VinCommerce và VinEco về Masan.

LÝ DO 1: TĂNG QUY MÔ
Tăng quy mô hoạt động luôn là mục tiêu lớn của các doanh nghiệp bởi nó mang lại hai thứ quan trọng: lợi thế cạnh tranh và tiết kiệm chi phí, điều mà các công ty nhỏ hơn thường không có. Ví dụ: British Airways đã hợp nhất với một số hãng hàng không khác nhau trong nhiều năm để tạo ra IAG (International Airlines Group) tạo nên một tập đoàn các hãng hàng không có quyền kiểm soát bầu trời rất lớn

LÝ DO 2: TĂNG THỊ PHẦN
“Quá lớn để thất bại” là khái niệm gần gũi với lý do này khiến “thị phần” là động cơ chung nhất của hầu hết các giao dịch M&A. Các công ty liên tục xem xét vị trí của họ trong ngành so với các đối thủ và luôn nhòm ngó sang miếng bánh của người đối diện. Lý do này ảnh hưởng đến nền kinh tế đến mức các chính phủ ban hành luật Chống độc quyền để can thiệp vào các thương vụ quá lớn, tránh sự lũng đoạn thị trường.

LÝ DO 3: TĂNG SỨC MẠNH ĐỊNH GIÁ CHUỖI CUNG ỨNG
Tích hợp theo chiều dọc là một công ty có nhu cầu làm chủ các phần khác nhau trong chuỗi giá trị của mình. Thông thường, điều này xảy ra khi một công ty đã phát triển đến một quy mô nhất định, họ sẽ mua lại hệ thống phân phối của riêng mình để không cần thuê phân phối của bên thứ ba; hoặc mua lại các nhà cung cấp của mình để tiết kiệm chi phí cũng như làm chủ nguồn hàng. Cụ thể, việc mua lại một nhà cung cấp cho phép một công ty tiết kiệm được lợi nhuận mà nhà cung cấp trước đây đã cộng vào chi phí của mình. Và ngược lại, bằng cách mua lại nhà phân phối, nhà SX thường có được khả năng bán hàng trực tiếp với chi phí thấp hơn. Hơn thế, giá trị của DN nhờ đó mà tăng lên rất nhiều.

LÝ DO 4: LOẠI BỎ CẠNH TRANH
Nhiều thương vụ M&A với mục đích giúp bên mua loại bỏ sự cạnh tranh của bên được mua vì họ có thể là đối thủ đáng gườm của mình trong hiện tại và tương lai. Việc này có thể mang lại cho công ty mua cơ hội tăng thị phần mà không cần phải làm gì nặng nề. Người ta thường gọi là sáp nhập theo chiều ngang. Ví dụ: một công ty bia có thể chọn mua lại một nhà máy bia cạnh tranh nhỏ hơn, cho phép công ty nhỏ hơn sản xuất nhiều bia hơn và tăng doanh số bán hàng cho những khách hàng trung thành với thương hiệu.

LÝ DO 5: TIẾP THU CÔNG NGHỆ MỚI, TĂNG NĂNG LỰC CHUYÊN MÔN
Kinh tế – xã hội đang được thay đổi tốt lên hàng ngày nhờ công nghệ và các phát minh chuyên môn đột phá. Trong tình hình này, các công ty lớn thường thay đổi chậm hơn so với các công ty nhỏ và họ phải đứng trước áp lực: nếu không thay đổi, họ sẽ không tồn tại. Đó là lý do tại sao các công ty thường chú ý đến việc mua lại các công ty khác cung cấp cho họ công nghệ và chuyên môn mới.
Trong thập kỷ qua, Google đã mua lại hơn 30 công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo (AI) để có được một loạt các phát minh trong công nghệ được cho là có ảnh hưởng lớn trong những năm tới.

LÝ DO 6: ÁP LỰC CỦA SỰ PHÁT TRIỂN
Nhiều động lực của các thương vụ M&A là để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng. Đối với các công ty niêm yết, áp lực của việc tăng trưởng hai con số từ các nhà phân tích và nhà đầu tư trở thành thách thức với việc tăng trưởng tự nhiên từ các dự án nội bộ. Trong tình huống này, các giao dịch M&A vẫn thường là giải pháp tốt.

LÝ DO 7: HỢP LỰC
Vào năm 2017, khi Amazon mua lại Whole Foods đã khiến hai đơn vị này là thương mại điện tử và bán lẻ thực phẩm truyền thống hợp lực và mạnh mẽ lên rất nhiều, vượt xa các đối thủ khác. Cùng đó, khi trong cùng một ngành mà có một vài đơn vị đang hợp nhất để tạo giá trị gấp bội đã khiến các đối thủ cạnh tranh cũng lo sợ và cũng phải củng cố vị thế của mình. Do đó họ có thể cũng phải tham gia vào M&A để tồn tại (“hiệu ứng bandwagon”).

LÝ DO 8: ĐA DẠNG HOÁ ĐỊA LÝ
Khi sống trong thế giới phẳng thì việc quốc tế hoá là một động lực cũng như yêu cầu lớn của một công ty có thể chứng minh khả năng phát triển liên tục của mình. Ví dụ Tây Ban Nha Santander, đã mua lại chuỗi ngân hàng ở 9 quốc gia bên ngoài Tây Ban Nha để trở thành một trong những tổ chức ngân hàng bán lẻ lớn nhất thế giới. Hoặc ví dụ khác như Viettel, Vingroup, … đã tham gia chinh phục thị trường quốc tế để đang dạng hoá địa lý.

LÝ DO 9: BÁN KÈM
Nâng cao giá trị trung bình đơn là mục tiêu quan trọng của các đơn vị. Hai công ty sẽ có nhiều thứ hơn để cung cấp cho một khách hàng. Starbucks mua lại Teavana với giá 750 triệu đô la vào năm 2017 đã giúp khách hàng có thể thưởng thức trà tại Starbucks và cà phê tại Teavana. Mọi người đều là người chiến thắng và giá trị của hai doanh nghiệp này không phải là 1+1 mà là 1+ more…

LÝ DO 10: THUẾ
Đây là lý do ít được thừa nhận nhưng nó lại là động cơ khá phổ biến cho một số thương vụ M&A. Điều gì xảy ra nếu một công ty dương dòng tiền, dương thuế mua lại một công ty có lỗ thuế chuyển tiếp để giảm gánh nặng thuế của chính công ty đó.

LÝ DO 11: ĐỘNG CƠ TÀI CHÍNH
Cho đến nay, các động cơ M&A chủ yếu mang tính chiến lược, trong đó có một vài tình huống các công ty bán lẻ được mua lại bởi lý do dòng tiền bởi lợi thế của bán lẻ có nhiều thứ trong đó có dòng tiền

LÝ DO 12: CƠ HỘI
“Mua” hay “được mua” đôi khi chính là cơ hội “ngàn năm có một” bởi nó đúng lúc, đúng việc và đúng giá. Có những cơ hội được bán với giá rất cao và cùng đó có cơ hội mua giá cực thấp. Nhận biết thời cơ cũng là lý do cho một thương vụ M&A xuất hiện.  

 

Jolie Hướng Dương
Doanh nhân – Nhà huấn luyện


Copyright © 2020 DDP Finance Coaching. All Rights Reserved.

Call Now