BẠO LỰC – BỆNH THIẾU ĐỒNG CẢM

         Jolie Hướng Dương thực sự không thể bình tĩnh đọc và nghe hết các tin về việc bạo hành hai em bé gần đây. Nó thật kinh khủng và diễn ra nhiều lần, lặp đi lặp lại. Điều đáng nói là hành động này xảy ra ở xã hội hiện đại, ở những người hiện đại, ở những người có học thức, được nuôi dưỡng trong môi trường gia đình tri thức.
        Về khoa học, có một điểm chung giữa những người nói trên với những tên tội phạm như hiếp dâm, bạo lực, lạm dụng,… là “chúng thiếu khả năng đồng cảm”. Nếu biểu hiện nặng thì được gọi là chứng bệnh mù cảm xúc (alexithymia) hoặc còn gọi là “Chứng thái nhân cách” ở một số người.
Vậy đồng cảm là gì?
        Đồng cảm (empatheia) nghĩa là có cùng cảm nhận. Khi nhìn thấy cảm xúc của người khác, chúng ta tự bắt chước biểu hiện cảm xúc đó, từ đó gợi lên những xúc cảm tương tự trong chính mình. Đồng cảm khác với thông cảm (symphathy), thông cảm mang ý nghĩa cảm nhận hoàn cảnh của người khác nhưng không có cùng cảm nhận cảm xúc với họ.
         Trong cuộc sống, chúng ta dễ dàng nhận thấy một số người luôn khiến người khác hụt hẫng, mất cảm xúc. Lý do vì họ không hiểu cảm xúc của chính họ như thế nào vậy nên họ cũng mất khả năng thấu hiểu cảm xúc của người khác. Chính vì không kết nối được với cảm xúc của những người xung quanh nên họ thường xuyên thiếu cởi mở và đưa ra những lời bình luận phê bình không đúng lúc. Họ không cảm nhận được nốt thăng trầm của cảm xúc đan xen trong lời nói của người đối diện, không cảm nhận được cử chỉ khi người khác đổi giọng, khi thay đổi tư thế, khi im lặng hay trực chờ bùng nổ cơn giận dữ,.. Họ không chỉ bối rối với chính họ, họ còn hoang mang khi người khác bộc lộ xúc cảm. Đây là một thiệt thòi và là một bi kịch của chính họ.
         Đạo đức phải được bắt nguồn từ sự đồng cảm. Chính việc đồng cảm với nỗi khốn khổ, sự nguy nan, thiếu thốn của người khác đã thúc đẩy chúng ta mong muốn chia sẻ nỗi đau và mong muốn giúp đỡ họ. Ngoài mối liên hệ giữa đồng cảm và lòng vị tha cá nhân, chính năng lực đồng cảm, đặt mình vào địa vị của người khác đã khiến chúng ta tôn trọng một số nguyên tắc đạo đức nhất định
         Đồng cảm được phát triển tự nhiên từ thơ ấu. Trẻ có thể cảm nhận cảm xúc của người khác với nó từ tháng thứ 8, giai đoạn nhận thức bản thân. Khi 1 tuổi, trẻ đã thấy buồn mỗi khi thấy bạn mình ngã hoặc khóc. Khi 2 tuổi, trẻ nhận thức chúng khác biệt với người khác, chúng chủ động an ủi bạn, nhạy cảm hơn với các tín hiệu xúc cảm. Đồng cảm hoàn chỉnh ở giai đoạn cuối của thời thơ ấu, chúng không chỉ nhận thức được mà còn đồng cảm với nguyên nhân dẫn đến sự đau khổ của người khác, cảm nhận được hoàn cảnh của người khác. Tuổi thiếu niên, trẻ củng cố niềm tin đạo đức như đấu tranh, chống lại sự bất hạnh và bất công
         Thấu cảm tức giận là một loại đồng cảm. Cảm xúc này thôi thúc người ta đứng lên bảo vệ công lý, can thiệp vào việc của người khác.
Hãy rèn luyện từ thơ ấu để có được sự đồng cảm!
         Đồng cảm bắt nguồn từ khi chúng ta còn rất nhỏ, dường như ngay từ khi sinh ra. Khi quan sát trẻ em chúng ta thấy, một đứa trẻ sẽ yêu những ai yêu nó, dịu dàng với nó, cười với nó, .. sẽ khóc hoặc lánh xa những ai cau có, lạnh lùng. Khi trẻ biết xúc cảm của mình được thừa nhận, được đáp lại thì đó gọi là sự hoà hợp. Sự hoà hợp giữa trẻ em với bố mẹ, với bạn bè, họ hàng,… sẽ giúp trẻ định hình những cảm xúc về các mối quan hệ thân tình khi trưởng thành.
        Sự hoà hợp diễn ra ầm thầm. Nó khác với bắt chước đơn thuần, nếu chỉ bắt chước thôi thì ta mới chỉ hiểu những gì người khác làm chứ không phải là cảm nhận nó. Để trẻ tăng năng lực đồng cảm, ta phải tương tác với cảm xúc nội tâm của trẻ
        Khi trẻ thiếu sự hoà hợp với bố mẹ hoặc với những người xung quanh khiến mối quan hệ trở nên xa cách, thiếu vắng tình cảm. Ngoài ra, trẻ cũng bị ảnh hưởng bởi xúc cảm tiêu cực từ những người xung quanh. Ví dụ, nếu bố mẹ thờ ơ với cảm xúc của con, lâu dần con cũng lạnh lùng, thờ ơ, thụ động. Cao hơn, thiếu sự hoà hợp cảm xúc thời thơ ấu có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về mặt xúc cảm. Một nghiên cứu cho thấy, hầu hết các tội phạm bạo lực đều có điểm chung là không có môi trường nuôi dưỡng cố định, thường xuyên bị trao tay từ nhà này sang nhà khác hoặc bị bỏ bê thiếu quan tâm và ít cơ cơ hội hoà hợp với bất kỳ ai. Không những thế sự thờ ơ xúc cảm còn dẫn đến sự xói mòn về khả năng đồng cảm, gây nên tình trạng bạo hành tinh thần nghiêm trọng, kể cả việc đe doạ, sỉ nhục bằng lời nói hay hành động,..
         Rối loạn nhân cách cũng xảy ra với nhưng người bị bạo hành từ nhỏ khiến họ rất nhạy bén với xúc cảm của người khác

   
         Quay lại trường hợp bạo hành trẻ em, người gây tội thiếu đồng cảm đến mức thái nhân cách thường không có sự đồng cảm hay lòng nhân từ trước nỗi sợ hãi và đau đớn của nạn nhân. Vì vậy, họ không thấy cắn rứt lương tâm khi hành động.
        Những kẻ bạo lực do thái nhân cách là những kẻ hoạt động có tính toán, có chủ đích chứ không phải bị cơn cuồng nộ chi phối. Đây là hành vi khủng bố có tính toán, khống chế người khác bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi. Người có chứng này thường biểu hiện như dối trá, sẵn sàng nói bất kỳ điều gì để có được thứ chúng muốn và thao túng xúc cảm của nạn nhân hoặc có biểu hiện bạo lực thường xuyên như ẩu đả ở quán bar, đánh nhau với đồng nghiệp, ….
         Theo khoa học thần kinh, hạch hạnh nhân và mạng lưới thần kinh liên kết với vùng thị giác liên hợp là bộ phận chính chịu trách nhiệm chi phối sự đồng cảm trong con người. Một nghiên cứu trên khỉ cho thấy nếu cắt đứt mối kết nối giữa hạch hạnh nhân và vỏ não thì những con khỉ vẫn hoạt động bình thường nhưng mất đi khả năng thể hiện xúc cảm với những con khỉ khác. Đồng cảm diễn ra khi phản ứng sinh lý của hai người diễn ra đồng thời.
         Chính vì vậy, người có năng lực đồng cảm thường là người có tâm thế bình tĩnh để nhận biết tín hiệu cảm xúc tinh tế của người khác và có cảm xúc bắt chước theo. Điều này cũng có thể cải thiện thông qua rèn luyện hoặc nghiêm trọng hơn thì cần gặp bác sĩ chuyên khoa.
        Ngoài ra, sự mất cân bằng cảm xúc tại một thời điểm có thể sửa chữa vì đó là quá trình liên tục và diễn ra suốt cuộc đời. Chúng ta không thể chọn người sinh ra ta. Nếu lỡ sinh ra và lớn lên trong một môi trường thiếu sự hoà hợp đến mức lệch lạc cảm xúc, hành vi và khi nhận thức ra vấn đề thì cần nỗ lực rèn luyện thay đổi để cuộc sống của chúng ta thêm thành công và hạnh phúc.
         Loài người có cơ chế phản xạ có điều kiện, có vỏ não tư duy phát triển. Việc tuyên truyền nguyên tắc đạo đức, pháp luật thường xuyên cũng là giúp cho chúng ta nâng cao tính tuân thủ tự nhiên, tránh được sự vô cảm tự nhiên đến hoang dại.
Jolie Hướng Dương
Doanh nhân – Nhà huấn luyện

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Copyright © 2020 DDP Finance Coaching. All Rights Reserved.

Call Now