THÀNH CÔNG TÀI CHÍNH CỦA CHÚNG TA PHỤ THUỘC VÀO ĐIỀU GÌ?

02/12/2021
383

Mỗi chúng ta và bản thân Jolie cũng có những câu chuyện rất riêng về tài chính cá nhân, có thất bại, có thành công và không ai giống ai trong cuộc đời này cả.
Hãy cùng Jolie quan sát một số ví dụ có thật:

👉  Lâm là một cô gái xuất thân từ một huyện ven Hà Nội. Từ bé, cô đã nổi tiếng nhất làng vì thông minh, học giỏi. Không phụ niềm tin của gia đình, cô đã chinh phục lớp chuyên của Huyện rồi là thành viên xuất sắc của trường chuyên tỉnh. Tự hào hơn nữa, cô đã đỗ và tốt nghiệp hai trường đại học cùng lúc. Cho đến bây giờ, cô vẫn luôn được ghi nhận bởi sự thông minh, nhanh nhẹn, phỏng vấn công ty nào cũng trúng tuyển công ty đó. Câu chuyện sẽ rất bình thường nếu như không biết rằng Lâm hiện tại đang rất khó khăn về tài chính. Lần về quá khứ, từ thời đại học, Lâm đã tranh dùng thủ tiền học phí chưa đến hạn nộp để đi buôn rồi sau đó gặp rắc rối vì việc buôn thất bại, Lâm đã từng có nhiều nhà và đất rồi mất hết khi chơi chứng khoán và chơi vàng, Lâm đã từng nhiều lần đổi vị trí CFO từ công ty này sang công ty khác vì 1 lý do: vướng mắc tiền quỹ của công ty, Lâm cũng đã từng vài lần rắc rối vì vay nóng lãi cao, và hiện tại vẫn lại tiếp tục vướng vào các khoản nợ bạn bè và tín dụng đen.
👉 Chi là một cô gái thông minh và nhanh nhẹn bậc nhất trong đám bạn bè. Thu nhập của Chi thuộc dạng khá và luôn diện quần áo, túi xách hàng hiệu, đi xe sang,.. Nhưng mỗi khi cần một khoản tiền nào đó cho công việc là Chi phải đi vay bạn bè vì trong nhà không có khoản dự phòng nào cả. Chi vay nhiều đến mức nổi tiếng trong giới bạn bè. Có lần cô ấy tâm sự “tao nói thật nhé, nhiều lần tao mang tiền gửi tiết kiệm, gửi bà ngoại sổ để không sờ đến khoản đó, vậy mà chả hiểu sao vẫn mò sang bà lấy sổ về chi tiêu. Mà tao thấy việc gì cũng cần phải chi ý, không dừng được”
👉 Lan thì thuộc trường hợp khác, cô ấy từng ít nhất ba lần vướng vào rắc rối vì bị lừa tiền. Lan rất tiết kiệm chi tiêu, thậm chí “bủn xỉn” với chính bản thân mình. Ba lần bị lừa tiền là ba câu chuyện đầu tư hấp dẫn khác nhau và lần nào Lan cũng khóc “nó (đứa lừa tiền) bảo là bỏ tiền vào 3 tháng là thu lãi gấp đôi”
👉 Tùng là một người đàn ông rất chăm chỉ lao động, anh ấy gom góp từng khoản nhỏ chỉ để mua nhà, mua xe, mua đồ dùng, đồ ăn cho gia đình. Niềm vui của anh ấy là thấy vợ con, anh em, bạn bè quây quần ăn uống, hưởng thụ những thứ mà anh ấy mang về. Tùng tự hào là người đàn ông không phá phách, hoang phí, chỉ biết kiếm tiền và lo cho vợ con, thậm chí còn là mạnh thường quân của hàng xóm, họ hàng. Cho đi rất nhiều như vậy nhưng Tùng luôn tâm sự “Vợ con chả hiểu gì anh cả, anh có giữ gì cho mình đâu, sao cứ luôn nói anh bủn xỉn và khó chịu với anh về tiền?”
👉 Linh thì rất “thân thiết” với tiền của cô ấy. Từ khi Jolie còn tiêu hết lương hàng tháng thì bạn ấy đã biết “vay thêm 500 nghìn cho đủ mua 1 chỉ vàng cất đi”. Cho đến bây giờ Linh vẫn có thói quen: khoản nào chi tiêu hàng tháng, khoản nào cất đi, khoản nào mua đất,… 3 năm Covid mà cuộc sống của gia đình bạn ấy vẫn không ảnh hưởng chi tiêu gì cả.

Khi quan sát chính mình và những người xung quanh, Jolie tự đặt một câu hỏi “tại sao mỗi cá nhân chúng ta thường có sự lặp đi lặp lại một tuýp sai lầm hoặc tuýp thành công về tiền bạc? Tại sao lại phá sản nhiều lần? Tại sao lại bị lừa tận 3 lần? Tại sao cứ hết tiền là vay nóng? tại sao từ thời sinh viên đã biết phân chia các khoản được tiêu và tiết kiệm,…? ”. Trong #DDP_Finance_Coaching, chúng tôi có một vài khái niệm như “thói quen liên quan đến tiền” hoặc “Những mô tuýp hành vi tài chính của mỗi cá nhân” hay “hành vi tài chính cá nhân”. Về bản chất, mỗi Financial coach của chúng tôi cần phải hiểu rõ chính bản thân mình hay khách hàng của mình một thứ rất quan trọng, đó là “mối quan hệ của cá nhân với tiền’ để từ đó giúp mình và khách hàng vận hành tài chính cá nhân và tài chính doanh nghiệp một cách mạnh mẽ và thông suốt hơn.

Vậy, khi tìm hiểu “hành vi tài chính cá nhân” thì tìm hiểu gì? Theo nghiên cứu, có hai thứ ảnh hưởng trực tiếp tới sự thành công hoặc thất bại tài chính của chúng ta là:
– Kiến thức phân tích tài chính
– Khả năng ra quyết định về tài chính

Đó là lý do tại sao có những người rất giỏi nhưng chưa thành công vì ra những quyết định sai.

Ví dụ trường hợp của Lâm bên trên, bạn ấy thông minh, được đào tạo bài bản nhưng đứng trước sự cố đầu tiên về tiền, bạn ấy không dám đối diện với sự thất bại vì quá khứ của bạn ấy là một chuỗi thành công chói loá. Vì là bạn của Lâm nên mình còn hiểu rằng Lâm luôn cô đơn trong mọi quyết định cá nhân từ bé. Cảm xúc “Liều” đã là thói quen. Thậm chí, chỉ cần giải quyết xong một việc rắc rối và “bình an” không bao lâu, kiểu gì Lâm cũng vướng vào một sự cố gì đó mới. Cảm xúc hồi hộp, giải quyết sự vụ cũng đã là thói quen từ bé. Ngoài ra, động lực được ghi nhận thành công cũng giúp bạn ấy có xu hướng “làm gì để thành công nhanh, hay nói đúng hơn là làm gì để kiếm tiền nhanh thay vì nhặt tiền lẻ”. Điều này cũng khiến Lâm luôn có xu hướng quyết định tham gia những việc sự vụ, việc to tát, việc quả cắm và thực hiện trong cảm giác hồi hộp,…

Mình khẳng định Lâm không xấu, mỗi chúng ta đều có một tuổi thơ, một sự trải nghiệm riêng biệt và nó tạo nên tính cách và hành vi của chúng ta về tiền. Bản thân Jolie cũng đã từng rất sai về tiền. Điều quan trọng là chúng ta cần khám phá chính bản thân mình để hiểu rõ hành vi của mình với tiền. Từ đó, quản trị được những quyết định của mình với tiền.

Với trải nghiệm bản thân và những câu chuyện xung quanh, Jolie rất tin vào khái niệm “Thông minh cảm xúc tài chính” và cách nâng cao “Chỉ số thông minh tài chính” dưới đây:
Hãy quan sát công thức
FQ = IQ + EQ
➡ FQ: Financial Emotional Quotient. Đây là chỉ số thông minh tài chính, chỉ số này thể hiện khả năng ra quyết định về tài chính và mang lại sự thành công về tài chính cho mỗi chúng ta.
➡ IQ: Intelligence Quotient. Đây là chỉ số thông minh. Trong tài chính, nó thể hiện kiến thức chuyên môn tài chính của mỗi người.
➡ EQ: Emotional Quotient. Đây là chỉ số cảm xúc. Trong tài chính, nó thể hiện khả năng quản trị cảm xúc của mỗi cá nhân khi ra quyết định liên quan đến tiền.

Trong cuộc sống, để nâng cao chất lượng tài chính cá nhân, chúng ta thường chỉ cải thiện chỉ số IQ là đi học các khoá đầy các kiến thức tài chính mà quên mất 50% (có nghiên cứu đã khẳng định là đến 90%) của sự thành công còn lại là chỉ số EQ, đó là sự khám phá bản thân mình, khám phá mối quan hệ của mình với tiền, tìm hiểu “hành vi cá nhân của mình với tiền” để từ đó quản trị cảm xúc của mình khi ra các quyết định liên quan đến tiền.

Những ai cần tìm hiểu và nâng cao chỉ số FQ?
– Mọi cá nhân muốn chủ động, an toàn về tài chính, muốn có thu nhập thụ động, muốn giầu có và thịnh vượng
– Các CEO chính là những người đang dùng FQ của mình để vận hành tiền của mình và các cổ đông khác trong doanh nghiệp.
– Các anh chị đang là tư vấn, cố vấn tài chính, huấn luyện tài chính,.. Công việc của các anh chị là giúp đỡ các khách hàng của mình nâng cao tài chính doanh nghiệp và cá nhân thì cần hiểu FQ chính bản thân mình trước khi hiểu FQ của khách hàng.

Jolie Hướng Dương
Doanh nhân – Nhà huấn luyện


Copyright © 2020 DDP Finance Coaching. All Rights Reserved.

Call Now